Toán 3 Chương 2 Bài: Nhân số có hai chữ số với số có một chữ số (có nhớ)

Sau đây mời các em học sinh lớp 3 cùng tìm hiểu về Nhân số có hai chữ số với số có một chữ số (có nhớ). Bài giảng dưới đây đã được eLib biên soạn khái quát lý thuyết cần nhớ, đồng thời có các bài tập được tổng hợp đầy đủ các dạng toán liên quan giúp các em dễ dàng nắm được kiến thức trọng tâm của bài.

Toán 3 Chương 2 Bài: Nhân số có hai chữ số với số có một chữ số (có nhớ)

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Kiến thức cần nhớ

- Cách thực hiện phép nhân số có hai chữ số với số có một chữ số (có nhớ):

  • Bước 1: Đặt tính theo cột dọc, thừa số thứ nhất là số có hai chữ số, thừa số thứ hai là số có một chữ số, thẳng với chữ số hàng đơn vị của thừa số thứ nhất.
  • Bước 2: Thực hiện phép nhân tương tự như phép nhân số có hai chữ số với số có một chữ số.

- Khi nhân thừa số thứ hai với chữ số hàng đơn vị của thừa số thứ nhất được số lớn hơn hoặc bằng 10 thì ta chỉ viết chữ số hàng đơn vị và nhớ số chục lên hàng chục.

- Thực hiện nhân tiếp thừa số thứ hai với chữ số hàng chục của thừa số thứ nhất rồi cộng với số vừa nhớ. Từ đó ta tìm được kết quả của phép nhân.

Chú ý: Phép nhân thừa số có một chữ số với chữ số hàng chục của số có hai chữ số, nếu có giá trị lớn hơn > 10 thì em viết kết quả vừa tìm được như bình thường, không cần nhớ chữ số hàng chục.

Ví dụ: Tính 24 x 3 = ?

3 nhân 4 bằng 12, viết 2, nhớ 1.

3 nhân 2 bằng 6, 6 thêm 1 bằng 7, viết 7.

Vậy 24 x 3 = 72

1.2. Các dạng toán

a) Dạng 1: Đặt tính

Bước 1: Đặt tính theo cột dọc, các chữ số cùng một hàng được đặt thẳng với nhau.

Bước 2: Thực hiện lấy số có một chữ số nhân với từng chữ số của số có hai chữ số theo thứ tự từ phải sang trái.

b) Dạng 2: Toán đố

Bước 1: Đọc và phân tích kĩ đề bài, xác định số nhóm bằng nhau và giá trị của mỗi nhóm; yêu cầu của đề bài.

Bước 2: Muốn tìm giá trị của tất cả các nhóm đang có thì cần lấy giá trị của một nhóm nhân với số nhóm đã cho.

Bước 3: Trình bày lời giải: Câu lời giải, phép tính, đáp số.

Bước 4: Kiểm tra lời giải và kết quả vừa tìm được.

c) Dạng 3: Tính giá trị của biểu thức

Ghi nhớ quy tắc về thứ tự thực hiện các phép toán có trong một biểu thức:

+ Biểu thức chỉ có phép tính nhân thì thực hiện từ trái sang phải.

+ Biểu thức có phép nhân và phép toán cộng/trừ thì thực hiện phép nhân trước rồi mới thực hiện các phép toán cộng/trừ theo thứ tự từ trái sang phải.

Ví dụ: Tính giá trị biểu thức: 134 - 14 x 6

Hướng dẫn giải

134 - 14 x 6

= 134 - 84

= 50

d) Dạng 4: So sánh

Bước 1: Tính giá trị của biểu thức cần so sánh (Dạng 4)

Bước 2: So sánh các số vừa tìm được và điền các dấu >;< hoặc = (nếu có).

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Đặt tính rồi tính: 26 x 3

Hướng dẫn giải

3 nhân 6 bằng 18, viết 8 nhớ 1

3 nhân 2 bằng 6, thêm 1 bằng 7, viết 7

Vậy 26 x 3 = 78

Câu 2: Mẹ nuôi một đàn gà có 36 con, nay mẹ mua thêm đàn ngan. Biết số ngan mẹ mới mua nhiều gấp 4 lần số gà. Hỏi đàn ngan mẹ mới mua có bao nhiêu con?

Hướng dẫn giải

Đàn ngan mẹ mua có số con là:

36 x 4 = 144 (con)

Đáp số: 144 con.

Câu 3: Tìm x, biết x : 3 = 15

Hướng dẫn giải

x : 3 = 15

x = 15 x 3

x = 45

Câu 4: Điền dấu <, >, hoặc = thích hợp vào chỗ chấm:

45 x 5....252

18 x 3.....54

Hướng dẫn giải

Ta thực hiên phép tính:

45 x 5 = 225

18 x 3 = 54

Ta điền vào chỗ chấm như sau:

45 x 5 < 252

18 x 3 = 54

3. Kết luận

Qua nội dung bài học trên, giúp các em học sinh:

  • Biết làm tính nhân số có hai chữ số với số có một chữ số (có nhớ).
  • Biết áp dụng vào giải các bài tập có phép nhân.
Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM