Tập làm văn: Luyện tập tả người (Tả hoạt động) Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có kĩ năng viết một đoạn văn tả hoạt động của bất kì một người nào đó. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ ngữ phong phú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tập làm văn: Luyện tập tả người (Tả hoạt động) Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Đọc bài văn đã cho theo sự hướng dẫn của giáo viên và thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới.

- Viết đoạn văn tả một người mà em yêu mến.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 150 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Đọc bài văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới

Công nhân sửa đường

Bác Tâm, mẹ của Thư, đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón, khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi.

Mảnh đường hình nhữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm mùi nhựa đường hăng hắc ấy, rồi ôm cổ mẹ:

- Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng khéo như vá áo ấy!

Bác Tâm đứng lên, vươn vai mấy cái liền. Bác nhéo mắt nhìn mặt đường. Nắng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác.

Theo NGUYỄN THỊ XUYẾN

(1) Xác định các đoạn của bài văn.

(2) Nêu nội dung chính của từng đoạn.

(3) Tìm những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm trong bài văn.

b. Hướng dẫn giải:

(1) Bài văn có ba đoạn như sau:

- Đoạn 1: "Bác Tâm, mẹ của Thư, đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón, khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi".

- Đoạn 2: "Mảnh đường hình nhữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm mùi nhựa đường hăng hắc ấy, rồi ôm cổ mẹ: Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng khéo như vá áo ấy!".

- Đoạn 3: "Bác Tâm đứng lên, vươn vai mấy cái liền. Bác nhéo mắt nhìn mặt đường. Nắng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác".

(2) Nội dung chính của từng đoạn:

- Đoạn 1: Miêu tả sự tỉ mỉ của người vá đường, đó chính là bác Tâm.

- Đoạn 2: Nói đến những thành quả công việc mà bác Tâm đã hoàn thành.

- Đoạn 3: Khắc họa hình ảnh bác Tâm khi đứng ngắm nhìn thành quả lao động của mình, chính là mảnh đường đã vá xong.

(3) Liệt kê những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm:

- "Tay phải cầm búa, tay trái xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh".

- "Bác đập búa đều đều xuống những viên đá, hai tay đưa lên hạ xuống nhịp nhàng".

- "Bác đứng lên, vươn vai mấy cái liền".

2.2. Giải câu 2 trang 150 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến.

b. Hướng dẫn giải:

- Đoạn văn tham khảo số 1:

Em cảm thấy mình rất may mắn khi được ngắm nhìn hình ảnh người cô yêu quý của em chấm điểm những bài văn của học trò. Dáng cô nghiêng nghiêng bên chồng vở cao ngất. Mái tóc dài óng ả của cô bay bay theo làn gió mùa thu. Có lẽ đôi mắt cô tập trung cao độ vào việc châm bài, đọc bài viết cùa học sinh. Đôi mắt màu hạt dẻ ấy đăm đăm nhìn vào từng bài làm, cô đọc từng câu, từng chữ. Đọc xong mỗi bài, cây bút bi quen thuộc hằng ngày lại cùng cô làm việc, nó là bạn đồng hành với cô. Bàn tay thon thả của cô ghi điểm nhanh thoăn thoắt. Những quyển vở chấm xong cô xếp sang một bên. Bỗng cô nhíu mày lại, vầng trán cao của cô lại xuất hiện những nếp nhăn. Em nghĩ mỗi nếp nhăn ấy là một chuỗi ngày cô vất vả vì chúng em. Có lẽ, cô không hài lòng bởi những bài văn sơ sài, thiếu ý, trình bày thiếu cẩn thận... Cô ghi điểm và ghi lời nhận xét rất tỉ mỉ, rồi cô lại đặt quyển vở ấy riêng một góc bàn. Em đoán chắc cô muốn gặp riêng chủ nhân quyển vở ấy để sửa sai, uốn nắn. giúp các bạn tiến bộ hơn.

- Đoạn văn tham khảo số 2:

Trong gia đình em, ngoài cha mẹ em ra thì em rất yêu quý và thương ông của em, bởi vì ông cũng rất thương và chiều chuộng, quan tâm em mỗi ngày. Ông em là người say mê sách báo. Ông có một tủ sách lớn chiếm gần hết một bức tường phòng làm việc chung của gia đình. Sáng nào, ông em cũng đọc báo. Buổi sáng mát mẻ dễ chịu. Ông tập thể dục, ăn sáng xong là ngồi vào ghế tựa đọc báo. Báo ông đọc là báo Công an Thành phố. Ông đeo kính vào, chăm chú xem trang bìa rồi bắt đầu đọc từng trang bên trong. Thỉnh thoảng, đôi kính trắng trễ xuống mũi, ông lại lấy ngón tay trỏ đẩy kính lên. Ông đưa mắt xem hình minh hoạ của các báo, gật gù biểu đồng tình. Khi ông đọc báo, phòng làm việc phải được giữ yên lặng. Chúng em vào phòng phải đi nhẹ nhàng, rón rén. Ông đọc hết từng trang báo, có lúc đọc nhanh phía sau, có lúc gật gù, có lúc chặc lưỡi lắc đầu. Khi ông đọc báo xong, ông để tờ báo lên bàn rồi nói với cả nhà: “Hôm nay, báo có nhiều tin hay đấy. Ông để báo trên bàn. Hồi nào các con thích xem thì xem nhé!”. Đáp lại lời ông thường lệ là mẹ thưa: “Dạ, con cảm ơn ba".

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách viết một đoạn văn tả hoạt động của con người.

- Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn miêu tả.

Ngày:14/11/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM