Luyện từ và câu: Ôn tập về từ loại (tiếp theo) Tiếng Việt 5

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về những từ loại như động từ, tính từ và danh từ. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích từ loại trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Luyện từ và câu: Ôn tập về từ loại (tiếp theo) Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Xếp các từ đã cho trong đoạn văn vào những từ loại phù hợp.

- Viết một đoạn văn ngắn tả người mẹ cấy lúa giữa trưa tháng sáu nóng bức.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 142 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Xếp các từ in đậm trong đoạn văn sau vào bảng phân loại ở bên dưới:

Không thấy Nguyên trả lời, tôi nhìn sang. Hai tay Nguyên vịn vào song cửa sổ, mắt nhìn xa với vợi. Qua ánh đèn ngoài đường hắt vào, tôi thấy ở khóe mắt nó hai giọt lệ lớn sắp sửa lăn xuống má. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Cũng giờ này năm ngoái, tôi còn đón giao thừa với ba ở bệnh viện. Năm nay ba bỏ con một mình, ba ơi!

Theo THÙY LINH

b. Hướng dẫn giải:

Xếp các từ trong đoạn văn trên như sau:

- Động từ: trả lời, thấy, nhìn, vịn, hắt, lăn, trào, đón, bỏ.

- Tính từ: vời vợi, xa, lớn.

- Quan hệ từ: qua, ở, với.

2.2. Giải câu 2 trang 143 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Dựa vào ý khổ thơ 2 trong bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa, viết một đoạn văn ngắn tả người mẹ cấy lúa giữa trưa tháng 6 nóng bức. Chỉ ra một động từ, một tính từ và một quan hệ từ em đã dùng trong đoạn văn ấy.

b. Hướng dẫn giải:

Vào giữa trưa tháng sáu ai cũng sợ cái nắng gay gắt chiếu trên đầu, cái nắng này dễ làm cho người ta đổ bệnh. Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè, nước ở khắp cánh đồng nóng như có ai nấu lên. Lũ cá cờ chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, lũ cua nóng không chịu được ngoi hết lên bờ. Vậy mà, giữa cái nắng bức oi ả, mẹ em vẫn nhẫn nại lội ruộng cấy lúa. Dáng mẹ lom khom, in hằn bóng trên mặt nước ruộng trưa hè. Một tay cầm bó mạ, tay kia mẹ thoăn thoắt cắm từng cây mạ xuống đồng. Giọt mồ hôi lăn trên vầng trán mẹ. Mỗi hạt gạo làm ra chứa bao giọt mồ hôi, bao nỗi vất vả của mẹ. Thương mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!

- Động từ đã sử dụng trong đoạn văn trên là: cầm, cắm, lội.

- Tính từ đã sử dụng trong đoạn văn trên là: nhẫn nại.

- Quan hệ từ đã sử dụng trong đoạn văn trên là: mà ... vẫn.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nhận diện và phân tích được từ loại: động từ, tính từ và danh từ.

- Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn có sử dụng từ loại.

Ngày:13/11/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM