Tập đọc: Phong cảnh đền Hùng lớp 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được nội dung chính bài Tập đọc: "Phong cảnh đền Hùng". eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất, mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Tập đọc: Phong cảnh đền Hùng lớp 5

1. Kiến thức cần nhớ

1.1. Văn bản "Phong cảnh đền Hùng"

PHONG CẢNH ĐỀN HÙNG

Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.

Lăng của các vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh. Đứng ở  đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Phía xa xa là núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân xâm lược. Trước mặt là Ngã Ba Hạc, nơi gặp gỡ giữa ba dòng sông lớn tháng năm mải miết đắp bồi phù sa cho đồng bằng xanh mát.

Trước đền Thượng có một cột đá cao đến năm gang, rộng khoảng ba tấc. Theo ngọc phả, trước khi dời đô về Phong Khê, An Dương Vương đã dựng mốc đá đó, thề với các vua Hùng giữ vững giang sơn. Lần theo lối cũ đến lưng chừng núi có đền Trung thờ 18 chi vua Hùng. Những cành hoa đại cổ thụ tỏa hương thơm, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỉ che mát cho con cháu về thăm đất Tổ. Đi dần xuống là đền Hạ, chùa Thiên Quang và cuối cùng là đền Giếng, nơi có giếng Ngọc trong xanh, ngày xưa công chúa Mị Nương thường xuống rửa mặt, soi gương.

Theo ĐOÀN MINH TUẤN

1.2. Nội dung chính của văn bản

- Nội dung chính của bài Tập đọc "Phong cảnh đền Hùng"  là ngợi ca phong cảnh đền Hùng, một phong cảnh mang vẻ đẹp tráng lệ, đồng thời bày tỏ sự thành kính thiêng liêng đối với mỗi tổ tiên của mỗi con người.

- Ngôn ngữ đa dạng tạo nên sắc thái riêng cho văn bản.

1.3. Giải thích các cụm từ khó

- Đền Hùng: Đền thờ các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

- Nam quốc sơn hà: ý trong bài chỉ Tổ quốc Việt Nam

- Bức hoành phi: tấm gỗ sơn son thiếp vàng có khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm cỡ lớn, thường treo ngang ở gian giữa nhà để thờ hoặc trang trí

- Ngã Ba Hạc: nơi sông Lô chảy vào sông Hồng

- Ngọc phá: sách ghi chép lai lịch, thân thế, sự nghiệp của những người được người đời kính trọng, tôn thờ.

- Đất Tổ: chỉ khu vực đền Hùng hoặc chỉ chung tỉnh Phú Thọ, nơi các vua Hùng bắt đầu sự nghiệp dựng nước.

- Chi: một nhánh trong dòng họ.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 69 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Hãy kể những điều em biết về các vua Hùng.

Hướng dẫn giải:

Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con trai trưởng của Lạc Long Quân, được cha phong làm vua nước Văn Lang, đóng đô ở thành Phong Châu (từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh, có thành phố Việt Trì và một phần đất thuộc các huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Hùng Vương truyền tiếp được 18 đời trị vì 2621 năm.

2.2. Giải câu  2 trang 69 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng.

Hướng dẫn giải:

Với những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên nơi đền Hùng: ở đó hiện lên những khóm hải đường đâm bông rực rỡ, những cánh bướm dập dờn bay lượn, bên trái là đỉnh Ba Vì vòi vọi, bên phải là dãy Tam Đảo như bức tường sừng sững, xa xa là núi Sóc Sơn, trước mặt là Ngã Ba Hạc, những cây đại, cây thông già, giếng Ngọc trong xanh

2.3. Giải câu 3 trang 69 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy kể tên các truyền thuyết đó.

Hướng dẫn giải:

Các truyền thuyết đó là Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, An Dương Vương, Sự tích trăm trứng, Bánh chưng bánh giầy

- Giải thích:

+ Ba Vì cao vòi vọi: một cảnh núi gợi cho ta nhớ nhớ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh - một truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước.

+ Núi Sóc Sơn gợi cho ta nhớ đến thời chống giặc ngoại xâm - đó là truyền thuyết Thánh Gióng 

+ Hình ảnh mốc đá thề gợi nhớ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước -  truyền thuyết về An Dương Vương.

+ Đền Trung là nơi thờ Tổ vua Hùng, tương truyền đây - có liên quan đến truyện Bánh chưng bánh giầy - là nơi vua Hùng thứ 6 đã gọi các con về núi Nghĩa Lĩnh tại nơi đây chọn người tài nối ngôi.

+ Đền Hạ gợi nhớ đến Sự tích trăm trứng.

2.4. Giải câu 4 trang 69 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Em hiểu câu ca dao sau như thế nào ?

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba."

Hướng dẫn giải:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Là câu ca dao nhắc nhở mọi người Việt Nam nhớ về ngày giỗ tổ dù đi đâu, về đâu, làm gì cũng không quên., không được quên quê hương, nguồn cội của mình.

3. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung chính bài Tập đọc "Phong cảnh đền Hùng"

- Vận dụng trả lời câu hỏi SGK thông qua bài Tập đọc.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM