Toán 6 Chương 1 Bài 10: Trung điểm của đoạn thẳng

Nội dung bài học sẽ giới thiệu đến các em khái niệm và các dạng toán liên quan đến Trung điểm của đoạn thẳng. Bên cạnh đó là những bài tập và ví dụ minh họa có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp các em dễ dàng làm chủ nội dung bài học.

Toán 6 Chương 1 Bài 10: Trung điểm của đoạn thẳng

1. Lí thuyết

Trung điểm của đoạn thẳng AB là điểm M thuộc đoạn thẳng ấy và cách đều hai điểm A, B.

Ta có:

M là trung điểm của đoạn thẳng AB \( \Leftrightarrow \left\{ \begin{array}{l}M \in AB\\MA = MB\end{array} \right.\)

Hoặc

M là trung điểm của đoạn thẳng AB \( \Leftrightarrow \left\{ \begin{array}{l}AM + MB = AB\\MA = MB\end{array} \right.\)

Hoặc

M là trung điểm của đoạn thẳng AB \( \Leftrightarrow AM = MB = \frac{1}{2}AB.\)

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Trên tia Ox có ba điểm A, M, B. Biết OA = 8, OB = 14 và OM = 11. Chứng tỏ rằng M là trung điểm của đoạn thẳng AB.

Hướng dẫn giải:

Ta có OA < OM < OB \( \Rightarrow \) Điểm M thuộc đoạn thẳng AB (1)

Ta lại có MA=OM-OA= 3; MB=OB-OM= 3 \( \Rightarrow \) MA = MB (2)

Từ (1) và (2) suy ra đpcm.

Câu 2: Trên tia Ox có ba điểm A, B, C biết OA = 10cm, OB = 24cm, OC =16cm. Gọi M N theo thứ tự là các trung điểm của các đoạn thẳng AC, BC.

a) Chứng minh điểm C thuộc đoạn thẳng AB.

b) Tính OM, ON suy ra điểm C thuộc đoạn thẳng MN.

c) Tính MN.

Hướng dẫn giải:

a. Ta có OA < OC < OB suy ra C nằm giữa hai điểm A và B.

Vậy C thuộc đoạn thẳng AB.

b. Ta có: AC=OC-OA=16-10=6 (cm)

Do M là trung điểm của AC nên: \(MA = MC = \frac{{AC}}{2} = 3\,\,(cm)\)

Vậy OM=OA+AM=10+3=13 (cm).

Tương tự, ta có: BC=OB-OC=24-16=8 (cm)

Do N là trung điểm của BC nên ta có: \(NC = NB = \frac{{BC}}{2} = 4\,\,(cm)\)

Vậy ON=OC+CN=16+4=20 (cm).

Do OM < OC < ON nên C nằm giữa hai điểm M và N.

c. Ta có: MN=MC+CN=4+3= 7 (cm).

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Gọi M là trung điểm của đoạn thẳng AB và C là điểm bất kì ở giữa A và M. Chứng tỏ rằng: \(CM = \frac{{CB - CA}}{2}.\)

Câu 2: Trên đường thẳng xy cho ba điểm A, B, C theo thứ tự đó. Gọi M và N lần lượt là trung điểm của AB và BC. Chứng tỏ rằng: \(MN = \frac{{AB + BC}}{2}.\)

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: M là trung điểm của đoạn thẳng AB khi và chỉ khi

A. MA = MB

B. AM = 1/2 AB

C. MA + MB = AB

D. MA + MB = AB và MA = MB

Câu 2: Nếu ta có P là trung điểm của MN thì

A. \(MP = NP = \frac{{MN}}{2}\)

B. MP + NP = 2MN

C. \(MP = NP = \frac{{MN}}{4}\)

D. MP = NP = MN

Câu 3: Cho đoạn thẳng AB dài 12cm, M là trung điểm của đoạn thẳng AB. Kho đó, độ dài của đoạn thẳng MA bằng 

A. 3cm

B. 15cm

C. 6cm

D. 2cm

Câu 4: Cho I là trung điểm của đoạn thẳng MN. Biết NI = 8cm. Khi đó, độ dài của đoạn thẳng MN bằng 

A. 4cm

B. 16cm

C. 21cm

D. 24cm

Câu 5: Cho điểm O nằm trên đường thẳng xy. Trên tia Ox lấy điểm A sao cho OA = 5cm. Trên tia Oy lấy điểm B sao cho OB = 6cm. Gọi I, K lần lượt là trung điểm của OA và OB. Tính IK. 

A. 4cm

B. 4,5cm

C. 5cm

D. 5,5cm

Câu 6: Trên tia Ox lấy hai điểm A và B sao cho OA=3cm, OB=6cm. Chọn câu sai

A. Điểm A nằm giữa hai điểm O và B

B. Điểm A là trung điểm đoạn OB

C. Điểm O là trung điểm đoạn AB

D. OA = AB =3cm

Câu 7: Cho đoạn thẳng AB. Gọi M và N lần lượt là trung điểm của các đoạn thẳng AB và AM. Giả sử AN = 1,5cm. Đoạn thẳng AB có độ dài là?

A. 1,5cm

B. 3cm

C. 4,5cm

D. 6cm

Câu 8: Cho đoạn thẳng AB = 8cm. Gọi I và K lần lượt là trung điểm của các đoạn thẳng AB và AI. Đoạn thẳng IK có độ dài là?

A. 8cm

B. 4cm

C. 2cm

D. 6cm

Câu 9: Cho đoạn thẳng AB = 14cm. Trên tia AB lấy điểm M sao cho AM = 7cm. Chọn câu sai.

A. M nằm giữa A và B

B. AM = BM = 7cm

C. BM = AB

D. M là trung điểm của AB

Câu 10: Trên tia Ox có các điểm A, B sao cho OA = 2cm, OB = 5cm. Gọi M là trung điểm của đoạn thẳng OB. Tính độ dài đoạn thẳng AM

A. 1,5cm

B. 0,5cm

C. 1cm

D. 2cm

Câu 11: Cho đoạn thẳng AB = 2a. Điểm O nằm giữa hai điểm A và B. Gọi M, N theo thứ tự là trung điểm của OA  và OB. Độ dài đoạn thẳng MN là:

A. 2a

B. a

C. \(\frac{{3{\rm{a}}}}{2}\)

D. 0,5a

4. Kết luận

Qua bài giảng Trung điểm của đoạn thẳng này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như: 

  • Nắm được khái niệm, tính chất trung điểm của đoạn thẳng.

  • Áp dụng làm được các bài tập liên quan.

Ngày:18/07/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM