Bí bái - Tác dụng khư phong hoạt huyết

Bí bái có vị ngọt, thơm, hơi cay, tính bình. Vỏ đắng và chát. Rễ, gỗ, lá có tác dụng khư phong hoạt huyết, hành khí giảm đau. Quả kiện tỳ tiêu thực. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây chè vằng, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Bí bái - Tác dụng khư phong hoạt huyết

Bí Bái - Acronychia pedunculata (L.) Miq. (A.laurifolia Blune), thuộc họ Cam - Rutaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ nhỏ thường xanh cao 5 - 10m. Cành già màu nâu đỏ, vỏ có mùi xoài. Lá mọc đối phiến hình trái xoan thuôn dài 5 - 15cm, rộng 2,5 - 6cm, có những điểm tuyến tiết tinh dầu; lá non có lông, lá già nhẵn; cuống dài phù ở hai đầu, cũng thơm mùi xoài. Cụm hoa hình ngù, mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa trắng xanh xanh, thơm, có 4 lá đài, 4 cánh hoa, 6 nhị và bầu 1 ô. Quả hạch hình cầu nạc, có múi, khi chín màu vàng nhạt hay trắng hồng, ngọt, thơm thơm, ăn được; hạt dài, cứng, đen.

Ra hoa tháng 4 - 6; có quả tháng 6 - 8.

2. Bộ phận dùng

Rễ, gỗ thân, lá, quả - Radix, Lignum, Folium et Fructus Acronychiae.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của Đông Duơng và Viễn Đông, thuờng mọc ở trong rừng thứ sinh, rừng còi, ven rừng và đồi cây bụi vùng trung du và miền núi từ Hoà Bình, Vĩnh Phú, Hà Bắc đến các tỉnh phía Nam.

Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, thái phiến, phơi khô. Quả thu hái vào mùa thu - đông, đồ với nước nóng rồi phơi.

4. Thành phần hoá học

Lá chứa 1,25% tinh dầu; còn có alcaloid acronycin.

5. Tính vị, tác dụng

Bí bái có vị ngọt, thơm, hơi cay, tính bình. Vỏ đắng và chát. Rễ, gỗ, lá có tác dụng khư phong hoạt huyết, hành khí giảm đau. Quả kiện tỳ tiêu thực.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Lá non thường dùng làm rau gia vị. Các bộ phận của cây được dùng trị: 1. Đau thấp khớp, đau dạ dày, đau thoát vị; 2. Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu; 3. Cảm mạo, ho; 4. Phù lôi. Liều dùng 10 - 15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài chữa ghẻ chốc, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương, lấy vỏ thân, lá nấu nước cho đặc để tắm, xát. Nhân dân ta thường dùng lá sắc uống chữa đau dạ dày và các chứng sưng đau. Còn dùng lá sao vàng, nấu nước cho sản phụ uống thay chè giúp ăn ngon cơm và thông huyết ứ. Lại có tác dụng trị phù lỏi. Ở Inđônêxia (Java) vỏ thân được dùng trị lỵ và lợi tiểu. Lá non cũng dùng ăn. Ở Ân Độ, rễ, chồi và quả dùng chế nước tắm kích thích.

Nhựa của rễ cũng được dùng xoa kích thích trong bệnh thấp khớp.

7. Đơn thuốc

Chữa phong thấp, gối lưng đau mỏi, bị thương sưng đau: 15 - 20g rễ hay lõi gỗ Bí bái sắc uống hoặc tán bột uống. Cũng dùng lá tươi đắp chỗ đau.

Cảm sốt và ho; 20g lá Bí bái sắc uống.

Chữa ăn uống kém tiêu: 15g quả Bí bái sắc uống.

Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây Bí Bái. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM