Na rừng - Tác dụng an thần gây ngủ

Na rừng hay Nắm cơm là vị thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Ngoài ra, Na rừng còn được sử dụng để giảm đau, chống viêm và hỗ trợ an thần. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây na rừng, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Na rừng - Tác dụng an thần gây ngủ

Na rừng, Dây xưn xe, Nắm cơm, Ngũ vị nam - Kadsura coccinea (Lem) A. C. Smi (K.chinensis Hance), thuộc họ Ngũ vị - Schisandraceae.

1. Mô tả

Dây leo to có nhánh mọc trườn, mảnh, phủ lớp lông tuyến màu sậm, rồi về sau lại có lỗ bì hình dải.

Lá bầu dục hay thuôn, dạng góc ở gốc, thon hẹp, tù, dài 6-10cm, rộng 3-4cm, nhạt màu ở dưới, rất nhẵn. Hoa đơn tính ở nách lá dài 15mm, rộng 10mm, màu tía. Quả giống như một quả Na to.

Hoa tháng 5-6, quả tháng 8-9.

2. Bộ phận dùng

Rễ - Radix Kadsurae Coccineae.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của vùng núi cao Lào Cai (Sa Pa), Hà Tây (Ba Vì) đến Di Linh, Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Cũng phân bố ở Trung Quốc, Lào. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần.

4. Tính vị, tác dụng

Rễ có vị cay ấm, hơi đắng, có hương thơm; có tác dụng hành khí chỉ thống, hoạt huyết, tán ứ, khư phong tiêu thũng.

5. Công dụng

Quả ăn được. Quả rang lên làm thuốc an thần gây ngủ. Rễ dùng trị: 1. Viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng; 2. Phong thấp đau xương, đòn ngã ứ đau; 3. Đau bụng trước khi hành kinh, sản hậu ứ đau sưng vú. Liều dùng 15-30g rễ khô sắc nước uống.

Dân gian cũng thường dùng vỏ thân, vỏ rễ làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, giảm đau. Ngày dùng 8-16 g sắc hoặc ngâm rượu uống.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc quả na rừng. Na rừng có thể được sử dụng như một vị thuốc an thần, điều trị viêm đau dạ dày, suy nhược cơ thể. Mặc dù Na rừng không độc nhưng người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để có liều lượng và cách dùng an toàn.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM