Me nước - Trị bệnh đái đường

Me nước là cây gỗ cao, thuộc họ Đậu, được trồng và trở thành hoang dại cả ở đồng bằng và miền núi nước ta. Người ta thu hái lá, rễ quanh năm để làm thuốc, dùng trị bệnh đái đường, sốt rét,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Me nước - Trị bệnh đái đường

Me nước, Me keo, Găng tây hay Keo tây - Pithecellobium dulce (Roxb.) Benth., thuộc họ Đậu- Fabaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ có thể cao đến 10m. Lá kèm biến đổi thành gai. Cuống lá chính dài 2-2,5cm, mọc so le, phân thành hai cuống nhỏ dài 1cm, mỗi cuống nhỏ mang hai lá chét, phiến lệch đến tù. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành, gồm nhiều cụm hình đầu đường kính 0,8-1cm. Quả dài 5- 8cm, rộng 1cm, xoắn làm 2-3 lần cong queo thắt lại giữa các hạt. Hạt màu đen và bóng, nằm trong một lớp cơm quả.

Mùa hoa quả từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

2. Bộ phận dùng

Rễ, lá và vỏ - Radix, Folium et Cortex Pithecellobii Dulcis.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của Mỹ châu nhiệt đới, truyền vào nước ta, được trồng và trở thành hoang dại cả ở đồng bằng và miền núi. Thường trồng làm hàng rào. Trồng bằng hạt. Ta có thể thu hái lá, rễ quanh năm để làm thuốc. Rễ thái nhỏ, phơi khô, lá thường dùng tươi.

4. Tính vị, tác dụng

Vỏ, rễ đều có tác dụng hạ nhiệt.

5. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Cơm quả (áo hạt) ăn được có vị bùi và béo. Lá me nước được dùng trị bệnh đái đường. Rễ dùng trị bệnh sốt rét. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc, mỗi ngày 10-20g. Vỏ cây được sử dụng làm thuốc trị sốt ở Guyan. Ở Ân Độ nước sắc vỏ dùng làm thuốc thụt.

Trên đây là một số thông tin về cây Me nước mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM