Muồng chét - Chữa loét niêm mạc mũi

Cây Muồng chét là cây như thế nào, mọc ở đâu, bộ phận nào dùng để làm thuốc, tác dụng chữa bệnh như thế nào? Cùng eLib.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Muồng chét - Chữa loét niêm mạc mũi

Muồng chét hay Mo ban - Cassia garrettiana Craib, thuộc họ Đậu - Fabaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ nhỏ. Lá có kích thước lớn, lá chét 8-9 đôi, hình trái xoan ngọn giáo, có mùi, dài 6-10cm, rộng 3-5cm, dai, mặt trên bóng, mặt dưới nhạt màu và gần như nhẵn; cuống phình ở gốc, dài 20-30cm. Hoa thành ngù đơn hay xếp đôi, tạo thành những chùy dài ở ngọn nhánh. Quả đậu phẳng, mỏng, dài 14-22cm, rộng 25-30mm, nhẵn, thon hẹp ở gốc, tù hay tròn ở chóp. Hạt 13-20, mỏng, hình trái xoan dài, màu nâu, dài 9mm, rộng 5mm.

2. Bộ phận dùng

Gỗ, lá, rễ - Lignum, Folium et Radix Cassiae Garrettianae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trong rừng nửa rậm và rừng rụng lá ở vĩ độ thấp từ Gia Lai đến Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh tới An giang. Có thể thu hái rễ, gỗ và lá quanh năm.

4. Tính vị, tác dụng

Gỗ có tác dụng nhuận tràng, lọc máu. Lá sát trùng.

5. Công dụng

Lá non và hoa dùng làm rau ăn. Gỗ thường được dùng sắc nước uống chữa loét niêm mạc mũi.

Ở Thái Lan, lõi gỗ được dùng làm thuốc nhuận tràng, long đờm và điều kinh. Lá thường được dùng trị nấm ecpet mọc vòng như lá Muồng trâu.

Ở Campuchia, các bộ phận của cây đều được sử dụng. Hoa dùng hãm hay sắc uống chữa sốt và lọc máu. Gỗ và lá dùng trị nấm ngoài da. Rễ dùng sắc uống trị kiết lỵ.

Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây muồng chét. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM