Húng chanh - Trị cảm cúm, ho hen

 Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đóHúng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc. Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Húng chanh - Trị cảm cúm, ho hen

Húng chanh, Rau tần dày lá, Rau thơm lông  -  Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng (Coleus amboinicus Lour.), thuộc họ Hoa môi  -  Lamiaceae.

1. Mô tả

Cây thảo có thể sống nhiều năm, cao 20 - 50cm, phần thân sát gốc hoá gỗ. Lá mọc đối dày mọng nước, hình trái xoan rộng, dài 3 - 6cm, rộng, mọc thành bông ở ngọn thân và đầu cành, gồm những vòng hoa dày đặc, cách quãng nhau. Quả nhỏ, tròn, màu nâu, chứa 1 hạt. Toàn cây có lông rất nhỏ và có mùi thơm như mùi chanh.

Mùa hoa quả tháng 4 - 5.

2. Bộ phận dùng

Lá và ngọn non  -  Folium et Gemma Plectranthi.

3. Nơi sống và thu hái

Cây có gốc ở quần đảo Môluýc (miền Mã Lai) được trồng làm gia vị và làm thuốc. Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đó. Lúc trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá sâu hay lá già úa vàng, đem phơi nắng nhẹ hay sấy ở 40 - 450C đến khô.

4. Thành phần hóa học

Lá chứa ít tinh dầu (0,05 - 0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol; còn có một chất màu đỏ là colein.

5. Tính vị, tác dụng

Húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc. Colein trong lá có tác dụn g kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Nhân dân ta thường thái nhỏ lá Húng chanh để ướp thịt, cá, nó là loại gia vị đặc sắc. Lá và ngọn non thường được dùng trị cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, đổ máu cam, còn dùng chữa viêm họng, khản tiếng. Liều dùng 10  -  15g, dạng thuốc sắc hoặc giã lấy nước uống. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác nấu nước xông.

Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ nóng, lá tươi giã ra lấy nước cốt cho trẻ em bị sổ mũi uống. Dùng ngoài lấy lá giã ra đắp trị nẻ môi, đau bụng, đau đầu và dùng xoa lên người khi bị sốt.

Ở Ân Độ, lá Húng chanh dùng chữa bệnh về đường tiết niệu và rỉ nước âm đạo. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.

7. Đơn thuốc

Chữa ho, viêm họng, khản tiếng: Lá Húng chanh non 5 - 10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15 - 20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm hai lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2 - 3 lần.

Chữa đau bụng: Lá Húng chanh non rửa sạch, 1 - 2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.

Rắn cắn, bò cạp và ong đốt: Lá Húng chanh tươi giã đắp.

Trên đây là một số thông tin về cây Húng chanh mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:26/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM