Nghể râu - Trị tiêu chảy, kiết lỵ

Nghể râu là cây thảo sống dai, có thân khỏe nhưng rỗng, mọc rất phổ biến ở các hồ ao, bờ ruộng ở các vùng ẩm, ở chỗ có nước ngập, dùng để trị ỉa chảy, kiết lỵ, bệnh cảm cúm, rửa các vết thương,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Nghể râu - Trị tiêu chảy, kiết lỵ

Nghể râu, Nghể dại, Nghể trắng - Polygonum barbatum L., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.

1. Mô tả

Cây thảo sống dai, có thân khoẻ nhưng rỗng. Lá có cuống ngắn, dính ở phần dưới hoặc tới gần giữa các bẹ chìa; phiến có lông hình mũi mác; các lá ở ngọn thường hình dải; bẹ chìa hình trụ, dài đến gần nửa lóng, mảnh, phủ lông tơ ở mặt ngoài. Cụm hoa hình bông dài, đôi khi họp thành chùm, mọc ở đỉnh; lá bắc có nhiều lông tơ, cuống hoa có đốt ở đầu, bao hoa màu trắng hoặc hồng; nhị 5 - 8, không đều nhau; bầu hình 3 cạnh. Quả hình 3 cạnh nhẵn.

Ra hoa tháng 9.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây - Herba Polygoni Barbati, thường có tên là Mao liễu.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaixia, Ôxtrâylia. Ở nước ta, cây mọc rất phổ biến ở các hồ ao, bờ ruộng ở các vùng ẩm, ở chỗ có nước ngập.

4. Tính vị, tác dụng

Vị cay, tính ấm, có độc; có tác dụng bạt độc sinh cơ, hút mủ.

5. Công dụng

Ở Ấn Độ, hạt dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ; cũng dùng trị bệnh cảm cúm. Rễ được dùng rửa trị các vết thương.

Ở Malaixia, lá nghiền nhỏ được dùng xát lên vết thương bị ruồi cắn trên da các con dê. Lá non có thể luộc làm rau ăn.

Ở Trung Quốc, cây được dùng chữa sưng tấy làm mủ, bệnh ngoài da, lở ngứa mụn nhọt.

Trên đây là một số thông tin về cây Nghể râu mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM