Móc diều - Trị phong hàn cảm mạo

Móc diều là cây nhỡ leo, có gai hình nón, dạng móc, thuộc họ Đậu, thường gặp trong rừng phục hồi đến độ cao 1200m từ Sơn La đến Lâm Đồng, Đồng Nai, có tác dụng thông kinh hoạt huyết, tán hàn phát biểu, làm ngừng ho, tan đờm, được dùng trị phong hàn cảm mạo, viêm nhánh khí quản, trị sốt rét, lỵ. Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.

Móc diều - Trị phong hàn cảm mạo

Móc diều, Vuốt hùm - Caesalpinia decapetala (Roth.) Alston (C. sepiaria Roxb.), thuộc họ Đậu - Fabaceae.

1. Mô tả

Cây nhỡ leo, có gai hình nón, dạng móc. Lá lông chim hai lần, có 5-9 đôi lá chét, nhạt ở mặt trên, mốc ở dưới, hơi có lông nhung, dài 12-25mm, rộng 7-10mm, tròn ở hai đầu. Hoa vàng hay có vạch đỏ, xếp thành chùm dạng tháp, dài 15-20cm rộng 9-10cm, có lá ở gốc. Quả đậu thuôn, tròn ở hai đầu, dài 6cm và hơn, rộng 25mm, dẹp, có u với mép mỏng; vỏ quả hoá sừng, dễ vỡ, vỏ quả trong dai, dạng sợi. Hạt hình bầu dục, hình trụ, hơi dẹp, dài 10mm, rộng 6-7mm, màu nâu tối.

Hoa tháng 3-5.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây - Herba Caesalpiniae Decapetalae.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ân Độ, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trong rừng phục hồi đến độ cao 1200m từ Sơn La đến Lâm Đồng, Đồng Nai.

Thu hái các bộ phận của cây vào hè thu, dùng tươi hoặc thái phiến, phơi khô dùng.

4. Thành phần hóa học

Hạt chứa dầu mà thành phần có các acid linoleic, oleic, một chất đắng không phải glucosidic và một chất không xà phòng hoá.

5. Tính vị, tác dụng

Rễ có vị đắng, chát, tính bình, có ít độc, có tác dụng thông kinh hoạt huyết, tán hàn phát biểu, làm ngừng ho, tan đờm. Hạt giải độc, sát trùng.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Ở Trung Quốc, rễ được dùng trị phong hàn cảm mạo, sởi không mọc, sán khí, viêm nhánh khí quản. Hạt dùng trị sốt rét, lỵ. Lõi thân dùng trị trẻ em cam tích.

7. Liều dùng

15-30g rễ, dùng ngoài không kể liều lượng.

Ở Ân Độ, rễ được dùng xổ, lá tươi dùng điều kinh, nhuận tràng và dùng ngoài trị bỏng.

Trên đây là một số thông tin về cây Móc diều mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM