Giền - Điều trị sốt rét

Giền mọc ở các rừng kín và rừng thưa vùng đồi núi thấp và trung bình ở nhiều tỉnh từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, tới Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Có nơi như ở Hà Bắc, cây mọc nhiều được chặt làm củi. Nhân dân dùng vỏ cây Giền để làm thuốc bổ máu, chữa xanh xao suy nhược, điều trị sốt rét, làm rượu bổ cho phụ nữ sau khi đẻ, làm thuốc điều kinh. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Giền - Điều trị sốt rét

Giền, Giền đỏ, Sai, Mạy sản săn - Xylopia vielana Pierre, thuộc họ Na - Annonaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ nhỡ có thể đến 10 - 18m, đường kính tới 20 - 25Cm. Thân thẳng, tròn, vỏ thân màu vàng đen, dễ bóc, có cành mảnh, khi non màu xám nhạt, có lông hung sau chuyển sang màu đen, có chấm trắng (lỗ bì). Lá mọc so le, phiến lá xoan, dài 7 - 10cm, rộng 3 - 4cm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông vàng và mốc mốc; cuống 4mm. Hoa mọc 1 - 2 cái ở nách lá, màu hồng nhạt; đài có 3 thuỳ, mập, tràng có 6 cánh hoa hàn liền ở gốc, dính nhau trước khi nở, hình dải hẹp, có lông dày, nhị nhiều, các nhị ngoài lép, nhị sinh sản xếp nhiều vòng, bao phấn có ngăn ngang; các lá noãn có lông. Quả kép gồm nhiều quả đại hình trụ có cuống dài xếp toả ra, thường có eo giữa các hạt; mặt ngoài màu lục hoặc vàng nhạt, mặt trong màu đỏ; 3 - 5 hạt màu nâu đen, có áo hạt.

Mùa hoa tháng 4 - 7; quả tháng 8 - 11.

2. Bộ phận dùng

Vỏ cây - Cortex Xylopiae Vielanae.

3. Nơi sống và thu hái

Cây mọc ở các rừng kín và rừng thưa vùng đồi núi thấp và trung bình ở nhiều tỉnh từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Bắc, Tuyên Quang, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Định, Khánh Hoà, tới Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Có nơi như ở Hà Bắc, cây mọc nhiều được chặt làm củi. Người ta dùng vỏ thân làm thuốc, nên có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa xuân, mang về cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

4. Thành phần hoá học

Trong vỏ khô có tanin thuộc loại pyrocatechic (4,55%) alcaloid (0,31% - 0,33%) saponin (4,5 - 4,9% thô, nếu tinh chế là 2,8%), tinh dầu (0,23%).

5. Tính vị, tác dụng

Không có độc, saponin của vỏ đều có tác dụng an thần.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Nhân dân dùng vỏ cây Giền để làm thuốc bổ máu, chữa xanh xao suy nhược, điều trị sốt rét, làm rượu bổ cho phụ nữ sau khi đẻ, làm thuốc điều kinh. Một số nơi còn dùng làm thuốc trợ tim. Ngày dùng 10 - 20g dưới dạng bột, thuốc viên, rượu thuốc. Hoặc nấu cao pha rượu. Đồng bào dân tộc ở Hà Bắc, dùng lá cây Giền để điều trị các bệnh đường ruột, đau nhức tê thấp.

Quả chín ăn được.

7. Ghi chú

Người ta sử dụng cây làm thuốc bổ máu, trị sốt rét, nên có người thường gọi nó là Canh ki na. Ngoài loài Giền này, còn có một số loài khác như Xylopia pierrei Hance, gọi là Giền trắng và X. nitida Ast., gọi là Giền láng, chỉ phân bố giới hạn ở một số nơi của các tỉnh phía Nam của nước ta.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM