Lòng mang lá lệch - Chữa phong thấp

Lòng mang lá lệch là cây gỗ lớn thuộc họ Trôm, phân bố ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Mianma, được dùng để ăn trầu, chữa phong thấp tê đau nhức xương, tiêu sưng. Để biết được công dụng trong y học của cây Lòng mang lá lệch mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Lòng mang lá lệch - Chữa phong thấp

Lòng mang lá lệch - Pterospermum semisagittatum Ham., thuộc họ Trôm - Sterculaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ lớn, rụng lá từng phần, cao 20-25m. Nhánh non có lông dày hình sao màu hung hay nâu. Lá đơn, nguyên mọc so le, gần như xếp 2 hàng. Lá hình mũi mác dài 15-20cm rộng 4-6cm, phiến lá màu xanh pha nâu nhạt, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông hình sao pha nâu vàng, mép lá nguyên, góc lá một bên là nửa hình tim một bên kéo dài 1,3-1,5cm thành mũi nhọn cứng, cuống lá ngắn; lá kèm bị tước thành nhiều tua, rụng sớm. Hoa đơn độc ở nách lá, lá bắc to. Quả nang hoá gỗ, hình trứng, có lông hoe. Hạt có cánh mỏng màu nâu.

Cây ra hoa tháng 5, quả tồn tại lâu trên cây.

2. Bộ phận dùng

Rễ - Radix Pterospermi Semisagittati.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Mianma. Ở nước ta cây chỉ gặp ở miền Nam từ Kontum, Gia Lai đến Tây Ninh và An Giang ở độ cao dưới 500m, trong rừng cây họ Dầu hay rừng giáp ranh. Có thể thu rễ quanh năm.

4. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Vỏ chát, thường được dùng để ăn trầu.

Rễ cây có thể dùng như rễ Lòng mang ngâm rượu uống chữa phong thấp tê đau nhức xương và tiêu sưng.

Trên đây là một số thông tin về cây Lòng mang lá lệch mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM