Ấu - Chữa loét dạ dày

Ấu là cây sống dưới nước, có thân ngắn và có lông phía ngoài thân, lá nổi có pha ở cuốn, lá chìm thì phiến lá giảm, xẻ lông chim, củ có hai sừng, được trồng ở các ao đầm khắp nơi trong nước ta, có vị ngọt, tính mát, được dùng làm thức ăn hay làm thuốc giải nắng nóng, giải độc, chữa cảm sốt, đau đầu, loét dạ dày,... Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Ấu - Chữa loét dạ dày

Tên khác: Ấu nước, ấu trụi, lăng mác
Tên khoa học: Trapa bicornis L - Hydrocaryaceae
Họ: Trapaceae

1. Mô tả

Cây củ ấu là loài cây sống dưới nước, có thân ngắn và có lông ở phía ngoài thân. Cây có 2 loại lá. Lá nổi sẽ có phao ở cuống, hình quả trám, phần mép trên có răng cưa. Lá nổi dài khoảng 4 – 5cm, rộng khoảng 6 – 7cm, cuống lá dài 6 – 15cm, giữa có phao. Còn lá chìm thì phiến lá giảm và xẻ lông chim, tuy nhiên đường xẻ rất nhỏ, quan sát chỉ thấy các đường gân. Hoa có màu trắng, thường mọc đơn độc hoặc ở kẽ lá. Phần hoa có 4 lá đài, 4 cánh hoa và 4 nhị bầu trung 2 ô, mỗi ô sẽ chữa một noãn.

Phần quả thì được gọi là củ, có 2 sừng, cao khoảng 35mm, rộng tầm 5cm, phần sừng dài tầm 2cm. Đầu phần sừng có hình mũi tên, sừng này do các lá đài phát triển thành. Ở bên trong quả có chứa một hạt ăn được.

2. Bộ phận dùng

Quả – Fructus Trapae,  thường có  tên  là Ô  lăng. Có khi dùng cả vỏ quả và toàn cây.

3. Nơi sống và thu hái

Cây củ ấu được trồng ở các ao đầm khắp nơi trong nước ta. Trồng bằng hạt hay bằng chồi. Mùa hoa ( ở miền Bắc) vào các tháng 5-6; mùa quả vào các tháng 7-9. Quả cũng để ăn, vỏ quả và toàn cây dùng làm thuốc. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

4. Thành phần hóa học

Trong hạt ấu có tinh bột chừng 49% và chừng 10,3% protid. Các chất khác chưa thấy nghiên cứu. Theo tài liệu Trung Quốc, trong 100g củ ấu chín có 4,5g albumin, 0,1g chất béo, 19,7g chất đường các loại, 0,19g vitamin B1, 0,06g B2, 1,5mg PP, 13mg C, 7mg Ca, 0,7mg sắt, 19mg Mn, 93mg P. Chất AH13 là chất chiết ung thư gan được dùng hỗ trợ điều trị chống ung thư.

5. Tính vị, tác dụng

Củ ấu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ mát, giải nắng nóng, giải độc; ăn thì bổ ngũ tạng. Vỏ quả có tính tăng lực và hạ nhiệt.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Người ta trồng ấu để  lấy quả làm thức ăn phụ hoặc để chăn nuôi, còn lá dùng làm thức ăn xanh cho gia súc. Quả thường dùng luộc chín hay rang ăn. Từ hạt có thể chế ra một loại bột, nếu thêm đường hoặc mật làm bánh ăn ngon.

Ở Trung Quốc cũng dùng ăn hoặc nấu rượu. Quả cũng dùng làm thuốc giải nắng nóng, giải độc, trừ rôm sảy. Người ta dùng quả sao lên để chữa cảm sốt và đau đầu; còn dùng làm thuốc cường tráng. Ở Campuchia, người ta chế ra một loại nước dễ uống có tác dụng chống suy nhược do bị bệnh sốt rét và các loại sốt khác.

Vỏ quả ấu còn dùng chữa loét dạ dày và loét cổ tử cung, còn toàn cây dùng chữa sài đậu trẻ em, giải độc rượu và làm cho sáng mắt.

Liều dùng: 10-16g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: giã cây tươi đắp không kể liều lượng.

7. Đơn thuốc

1. Giải trúng nắng và giải chất độc của thuốc, dùng củ ấu tươi giã nhỏ, chế thêm nước nguội mà uống thật nhiều.

2. Chữa rôm sảy hay da mặt khô sạm, dùng củ ấu tươi già xoa.

Trên đây là một số thông tin về cây Ấu mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM