Gai - Thanh nhiệt giải độc

Ở nước ta, Gai mọc hoang và thường đuợc trồng ở vùng trung du và đồng bằng để lấy sợi đan, dệt luới, làm giấy in bạc rất bền, lấy lá làm bánh gai, lấy củ làm thuốc. Rễ gai có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, an thai, chỉ huyết. Để biết được công dụng trong y học của cây Gai mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Gai - Thanh nhiệt giải độc

Gai, gai làm bánh, Gai tuyết - Boehmeria nivea (L.) Gaudich, thuộc họ Gai - Urticaceae.

1. Mô tả

Cây nhỏ cao 1,5 - 2m; gốc hoá gỗ. Rễ dạng củ, hình trụ thường cong queo, màu vàng chứa nhiều nhựa gôm. Cành màu nâu nhạt, có lông. Lá lớn, mọc so le, hình trái xoan dài 5 - 16, rộng 9,5 - 14cm, mép khía răng, mặt trên xanh, mặt dưới trắng bạc phủ lông mềm và mịn; lá kèm h́nh dải nhọn, thường rụng, cuống lá màu đo đỏ. Hoa đơn tính cùng gốc. Quả bế mang đài tồn tại.

Hoa tháng 5 - 8, quả tháng 8 - 11.

2. Bộ phận dùng

Rễ củ - Radix Boehmeriae, thường gọi là Trừ ma cân và lá - Folium Boehmeriae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài của Ân Độ, Nam Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Malaixia, Úc châu. Ở nước ta, Gai mọc hoang và thường đuợc trồng ở vùng trung du và đồng bằng để lấy sợi đan, dệt luới, làm giấy in bạc rất bền, lấy lá làm bánh gai, lấy củ làm thuốc. Trồng bằng đoạn thân rễ và cũng có thể ươm hạt. Trồng sau một năm đã có thể lấy sợi. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trên 10 năm. Ta thường lấy rễ làm thuốc, có thể thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hạ hay mùa thu. Đào rễ, rửa sạch đất cát, bỏ rễ con, thái mỏng hoặc để nguyên, rồi phơi hay sấy khô; có khi dùng tươi. Lá có thể thu hái quanh năm.

4. Thành phần hoá học

Rễ Gai chứa acid chlorogenic, acid cafeic, acid quinic, rhoifolin 0,7%, apigenin, acid protocatechic.

5. Tính vị, tác dụng

Rễ gai có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, an thai, chỉ huyết. Acid chlorogenic trong rễ củ có tác dụng tăng cường hiệu lực của adrenalin làm thông tiểu tiện, kích thích sự bài tiết mật, nhưng lại có khả năng ức chế tác dụng của pepsin và trypsin; nó còn có tác dụng diệt nấm và chống vi trùng.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường dùng chữa 1. Cảm cúm, sốt, sởi bị sốt cao; 2. Nhiễm trùng tiết niệu, viêm thận phù thũng; 3. Ho ra máu, đái ra máu, trĩ chảy máu; 4. Rong kinh động thai đe doạ sẩy thai. Dùng rễ 10 - 30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài chữa đòn ngã tổn thương, đụng giập bầm máu, đinh nhọt. Lá dùng ngoài trị vết thương chảy máu, sâu bọ đốt và rắn cắn. Giã rễ và lá tươi, hoặc lấy cây khô tán bột để đắp ngoài. Còn phối hợp với rễ cây Vông vang đắp chữa trĩ và nhọt mụt.

7. Đơn thuốc

Rong kinh, động thai đe doạ sẩy thai, sa dạ con. Rễ Gai 30g sắc uống trong vài ba ngày.

Phụ nữ có thai, phù thũng, đái đục, tê thấp đau mỏi, ỉa chảy kém ăn: Rễ Gai, Tỷ giải, đều 25g sắc uống.

Ho ra máu, đái ra máu, phù thũng khi có mang. Rễ Gai, rễ cỏ tranh mỗi vị 30g sắc uống.

Chữa các chứng lậu, đái buốt, đái dắt: Củ gai, Bông mã đề, mỗi vị 30g, Hành 3 nhánh, sắc uống.

Trên đây là một số thông tin về cây Gai mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM