Mạn kinh - Chữa cảm mạo phát sốt

Mạn kinh là cây nhỡ thuộc họ Cỏ roi ngựa, mọc hoang chủ yếu ở vùng ven biển, đến sau rừng ngập mặn nước ta, được dùng trị cảm mạo phát sốt, nhức đầu, chóng mặt, phong thấp, đòn ngã tổn thương,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích, cách sử dụng, thông tin về liều lượng và những nhược điểm tiềm ẩn của loại cây này.

Mạn kinh - Chữa cảm mạo phát sốt

Mạn kinh, Đẹn ba lá - Vitex trifolia L, thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.

1. Mô tả

Cây nhỡ cao đến 6m; cành non vuông, có lông màu xám. Lá mang 3-5 lá chét, không có lông ở mặt trên, có lông dày trắng ở mặt dưới, cuống phụ 2-8mm. Chùm hoa hẹp dầy lông trắng, cao 5-20cm ở ngọn cành, hoa màu lam tím, đài cao 3-4mm; tràng có ống cao 7-8mm, mũi trên nhỏ; vòi nhuỵ thò.

Quả hạch tròn, to 6mm, vàng đo đỏ rồi xám đen.

Hoa quả quanh năm, chủ yếu tháng 4-7.

2. Bộ phận dùng

Lá, rễ và quả - Folium, Radix et Fructus Viticis, quả thường gọi là Mạn kinh tử.

3. Nơi sống và thu hái

Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaixia.

Ở nước ta cây mọc hoang chủ yếu ở vùng ven biển, đến sau rừng ngập mặn, từ Thanh Hoá qua Đà Nẵng trở vào đến Tiền Giang (Gò Công) và Kiên Giang (Hà Tiên). Thu hái lá quanh năm, thường là mùa hạ. Thu hái quả vào mùa thu, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô, để nơi râm mát, khô ráo, khi dùng có thể sao qua.

4. Thành phần hoá học

Quả chứa vitexin và tinh dầu. Lá chứa tinh dầu trong đó có: l --pinen, camphen, teroinyl acetal, diterpen alcol, các ílavonoid; aucubin agnusid, casticin, orientin iso-orientin, Intcolin 7 -glucosisd.

5. Tính vị, tác dụng

Có vị đắng, cay, tính hàn, có mùi thơm, có tác dụng khư phong tán nhiệt, bình can chỉ thống. Lá làm long đờm, lợi tiêu hoá, hạ sốt. Rễ cũng hạ sốt, làm toát mồ hôi.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường được dùng trị: 1. Cảm mạo phát sốt; 2. Nhức đầu, đau nhức mắt, hoa mắt, chóng mặt; 3. Phong thấp, gân cốt đau, tê buốt; 4. Tiêu hoá không bình thường, viêm ruột ỉa chảy; 5. Đòn ngã tổn thương. Liều dùng 6-12g hạt, 8-20g lá sắc uống. Dùng ngoài lấy lá đem giã đắp trị đòn ngã.

Ở Ân Độ, lá được dùng đắp ngoài để trị đau thấp khớp bong gân. Lá nén làm gối đầu dùng trị viêm chảy và đau đầu; lá nghiền bột dùng trị sốt gián cách. Hoa cũng được dùng với mật ong trị sốt kèm theo nôn và khát nhiều. Quả được dùng trị bế kinh.

Ở Inđônêxia dùng chữa bệnh thuỷ thũng, đau bụng, lỵ, ỉa chảy, đau dạ dày và ruột, lá lách sưng to, bệnh ngoài da, lao phổi đau ngực, ho, nhức đầu và sốt.

Ở Thái Lan, lá được dùng trị bệnh ngoài da và ghẻ ngứa, rễ dùng trị bệnh đau gan và trị sốt; quả dùng trị hen suyễn và trĩ.

7. Đơn thuốc

Chữa phong ở não, nhức đầu: Mạn kinh tử 200g ngâm rượu, uống mỗi lần một chén con, ngày uống 3 lần (Nam dược thần hiệu).

Chữa đau mắt sưng đỏ, có màng che, chảy dử, quáng mắt. Mạn kinh tử, hạt Muồng (sao), hạt Mào gà trắng, hạt Mã đề, hạt ích mẫu, các vị bằng nhau, tán bột làm viên, uống với nước chè, hoặc dùng mỗi vị 12g sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Chữa cảm sốt, nhức đầu, mắt sưng đỏ: Mạn kinh tử 15g Cúc hoa, Chi tử, Bạc hà, mỗi vị 12g, Kinh giới 10g, Xuyên khung 4g, đổ nước, bịt kín ấm, sắc rồi xông đầu mắt cho ra mồ hôi và uống thuốc khi còn nóng.

Trên đây là một số thông tin về cây Mạn kinh mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM