Muồng truổng - Chữa trị đau dạ dày

Muồng truổng là cây thân gỗ nhỡ với nhiều gai nhọn chi chít trên thân, nhánh và cuống lá. Lá ưng bất bạc hình lông chim với nhiều đôi lá chét mọc đối nhau, phiến lá hình mũi mác, mép nguyên hoặc có các khía nhỏ. Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Muồng truổng - Chữa trị đau dạ dày

Muồng truổng, Sẻn, Màn tàn, Sén lai, Buồn chuồn, Hoàng mộc dài - Zanthoxylum avicennae- (Lam.) DC. (Fagara avicennae Lam.), thuộc họ Cam - Rutaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ nhỏ cao đến 8m; thân có gai, vỏ màu vàng sáng; cành cũng mang nhiều gai thẳng đứng và ngắn. Lá kép lông chim lẻ có 3-11 đôi lá chét hình ngọn giáo, gốc lá chét, không cân, hai bên có góc, mép nguyên hay hơi có răng. Cụm hoa hình tán kép mọc ở ngọn các cành, dài hơn lá. Hoa màu trắng nhạt. Quả dài 4mm, chia 1 -3 ô, có lớp trong không tách được với lớp ngoài; mỗi ô chứa mỗi hạt màu đen.

Ra hoa vào mùa xuân hè, có quả vào mùa hè thu.

2. Bộ phận dùng

Rễ, lá và quả - Radix, Folium et Fructus Zanthoxyli Avicennae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, cây mọc ở vùng rừng núi nhiều nơi từ Hoà Bình, Lạng Sơn với Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nằng. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng. Thu hái lá quanh năm, dùng tươi. Quả thu hoạch vào mùa thu đông, phơi khô dùng.

4. Thành phần hóa học

Hạt chứa 30% dầu, quả và lá đều có chứa một ít tinh dầu có mùi thơm của citronellal.

5. Tính vị, tác dụng

Vị đắng, cay, tính hơi ấm; có tác dụng khư phong lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống, hành khí, lợi thuỷ.

6. Công dụng

Nhân dân thường lấy lá về nấu ăn, lấy rễ hoặc vỏ thân, vỏ rễ chữa mẩn ngứa, lở loét, ghẻ. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ chữa viêm gan hoặc hoàng đản, viêm thận thuỷ thũng, phong thấp đau nhức gân cốt, đòn ngã ứ đau.

Quả dùng trị đau dạ dày, đau bụng. Lá dùng trị đòn ngã tổn thương, đau thắt lưng, viêm tuyến vú, nhọt, và viêm mủ da. Liều dùng rễ 30-60g, quả 3-6g, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài lấy lá giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa chỗ mẩn ngứa, ghẻ lở.

7. Đơn thuốc

1. Viêm gan mạn tính: Rễ Muồng truổng, Cỏ ban, Nhân trần hao, Bòi ngòi bò, mỗi vị 15g, sắc nước uống.

2. Đau nhức khớp xương, đòn ngã: Rễ Muồng truổng 30-60g, sắc uống.

Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây Muồng truổng. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM