Câu đằng - Tác dụng thanh nhiệt, hạ huyết áp

Câu đằng là cây nhỡ leo có mấu, dài 6 - 10m thuộc họ Cà phê, mọc ở rừng thứ sinh, dọc đường đi vùng núi cao ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong, hạ huyết áp, được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh giật, nổi ban, làm thuốc hạ huyết áp,... Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Câu đằng - Tác dụng thanh nhiệt, hạ huyết áp

Câu đằng, Vuốt lá mỏ - Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks., thuộc họ Cà phê - Rubiaceae.

1. Mô tả

Cây nhỡ leo có mấu, dài 6 - 10m. Lá có phiến xoan thon, to vào cỡ 6 x 0,5cm, mặt trên bóng, mặt dưới mốc, gân phụ 4 - 6 cặp, lồi hai mặt; cuống 5 - 6mm. Hoa tập hợp thành dạng đầu ở ngọn nhánh, to 8 - 10mm; lá đài 5; cánh hoa 5, màu vàng hay trắng; ống tràng ngắn; nhị 5; bầu 2 ô. Quả nang chứa nhiều hạt.

2. Bộ phận dùng

Đoạn cành với hai gai móc câu - Ramulus Uncariae cum Uncis; thường gọi là Câu đằng.

3. Nơi sống và thu hái

Cây mọc ở rừng thứ sinh, dọc đường đi vùng núi cao ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn. Thu hái vào tháng 7 - 9 cắt cả dây về, chọn các mấu có móc câu, chặt thành từng doạn dài khoảng 2cm, phía trên chặt sát móc câu, phơi nắng hoặc sấy thật khô. Thường dùng sống không cần sao chế. Nếu dùng vào thuốc thang thì nên để riêng. Sau khi thuốc sắc gần được, mới cho Câu đằng vào và để sôi 1 - 2 trào là được. Có thể tán bột dùng làm thuốc hoàn tán.

4. Thành phần hóa học

Thân và rễ chứa 0,041% alcaloid, trong đó hoạt chất chính là Rhynchophyllin chiếm 28,9%. Còn có các chất alcaloid khác như isorhynchophyllin, corynoxein, isocorynoxcin và một ít corynanthein, dihydrocorynanthein, hirsutin và hirsutein.

5. Tính vị, tác dụng

Câu đằng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong, hạ huyết áp. Câu đằng có tác dụng hạ huyết áp là do hoạt chất rhynchophyllin quyết định; nó ức chế hệ thần kinh giao cảm, làm dãn các mạch máu ngoại vi. Đối với hô hấp, dùng với liều thấp có tác dụng hưng phấn; với liều cao lại làm hô hấp bị tê liệt.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường dùng làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh giật, chân tay co quắp, nổi ban, lên sởi; làm thuốc hạ huyết áp dùng điều trị bệnh tăng huyết áp, nhức đầu, hoa mắt. Ngày dùng 12 - 15g dạng thuốc sắc.

7. Đơn thuốc

Chữa sốt kinh giật của trẻ em: Câu đằng 10 - 15g, Kim ngân hoa 9g, Bạc hà 3g, Cúc hoa 6g. Địa long 6g, sắc uống.

Chữa cao huyết áp: Câu đằng 10g, Xuyên khung 5g, Cam thảo 2g, Quế chi 3g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Trên đây là một số thông tin về cây Câu đằng mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM