Huyết rồng - Làm thuốc chữa huyết hư, kinh bế

Ở nước ta, Huyết rồng thường gặp trong các rừng, dọc theo các sông suối trên đất có cát, tới độ cao 850m . Dùng chữa huyết hư, kinh bế, di tinh, bạch đới, kinh nguyệt không đều và làm thuốc bổ huyết. Ngày dùng 20, 40g dạng thuốc sắc, rượu hoặc cao. Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé. 

Huyết rồng - Làm thuốc chữa huyết hư, kinh bế

Huyết rồng, Kê huyết đằng  -  Spatholobus harmandii Gagnep., thuộc họ Đậu  -  Fabaceae.

1. Mô tả

Dây leo khoẻ dài tới 15m, nhánh hình trụ, có lông mềm, về sau nhẵn. Lá kép 3 lá chét; lá chét dai, hình bầu dục, bóng, 3 lần dài hơn rộng, các lá chét bên so le, dài 7 - 12cm, rộng cỡ 3cm, tròn ở gốc, nhọn ở đầu, nhẵn; gân bên 9 cặp; cuống lá 5 - 10cm; lá kèm nhỏ dễ rụng. Hoa thành chuỳ có lông, 10 - 20cm, cuống hoa nhỏ có lông, 3mm, đài có lông với các thuỳ hình tam giác tù. Tràng hoa màu tía, 10 - 11mm, cánh cỡ lõm, gần tròn, lườn thẳng, quả đậu hình lưỡi liềm, 7x2 cm, có cánh, có lông nhung. Hạt đơn độc ở ngọn quả.

2. Bộ phận dùng

Thân cây  -  Caulis Spatholobi; cũng gọi là Kê huyết đằng.

3. Nơi sống và thu hái

Cây của Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trong các rừng, dọc theo các sông suối trên đất có cát, tới độ cao 850m, ở các tỉnh phía Nam từ Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé tới Bà Rịa  -  Vũng Tàu. Thu hái thân dây quanh năm.

4. Thành phần hóa học

Có glucid, tanin, chất nhựa.

5. Tính vị, tác dụng

Huyết rồng có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân cốt.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Dùng chữa huyết hư, kinh bế, di tinh, bạch đới, kinh nguyệt không đều và làm thuốc bổ huyết. Ngày dùng 20 - 40g dạng thuốc sắc, rượu hoặc cao. Cụ Nguyễn An Cư viết như sau: Nước của cây có vị ngọt, tính mát, không độc, dùng chữa đàn ông mất máu, mộng tinh, đàn bà huyết khô, huyết băng, chuyển tư chân âm, bổ ích tỳ thận, làm tăng nước bọt, hết khát nước. Dùng bôi chữa nứt môi, rơ lưỡi.

7. Ghi chú

Ở loài Mật hoa đậu  -  Spatholobus suberectus Dunn, thân được sử dụng ở Trung quốc với tên Kê huyết đằng, có catechol, dầu dễ hay hơi, đường hoàn nguyên; có vị đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh. Cũng được dùng trị kinh nguyệt không đều (huyết suy sụ p trở thành vàng), tê liệt, phong thấp đau nhức.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:26/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM