Mò răng cưa - Trị sốt, đau đầu

Mò răng cưa là cây nhỏ cao 1-4m, thuộc họ Cỏ roi ngựa, thường gặp ở đường đi ven rừng và trong rừng, được dùng để trị sốt và bệnh xuất tiết, đau đầu và đau mắt, trị rắn cắn, bệnh sưng amygdal viêm họng, phong thấp đau xương, sốt rét, viêm gan,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích, cách sử dụng, thông tin về liều lượng và những nhược điểm tiềm ẩn của loại cây này.

Mò răng cưa - Trị sốt, đau đầu

Mò răng cưa, Ngọc nữ răng - Clerodendrum serratum (L.) Moon (Volkameria serrata L.) thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.

1. Mô tả

Cây nhỏ cao 1-4m. Lá mọc chụm ba, thân non có lông, lá có phiến thon ngược, mép có răng nhọn, dày, bóng, gốc từ từ hẹp. Chuỳ hoa ở ngọn nhánh, lá bắc có lông móc. Hoa đỏ, cuống và hoa có lông, ống tràng có lông ở cổ; nhị 4. Quả hạch cứng, đỏ, có 4 khía, nằm trên đài đỏ.

Hoa tháng 6.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây hoặc rễ, lá, vỏ thân - Herba seu Radix, Folium et Cortex Clerodendri Serrati.

3. Nơi sống và thu hái

Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp ở đường đi ven rừng và trong rừng từ Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Bắc, Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu tới Kiên Giang.

4. Thành phần hóa học

Có alcaloid.

5. Tính vị, tác dụng

Vị đắng cay, tính mát, có ít độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ sốt rét, làm liền xương, khư phong trừ thấp, tránh thai. Đây là một trong số ít cây thuốc có tác dụng kháng histamin.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Ở Ấn Độ, rễ và lá dùng trị sốt và bệnh xuất tiết. Lá dùng trị sốt, nấu với dầu và bơ làm thành dạng thuốc đắp trị đau đầu và đau mắt; cũng dùng trị rắn cắn. Người ta dùng chồi non lá và hoa làm rau ăn.

Ở Trung Quốc, dân gian vùng Vân Nam dùng trị bệnh sưng amygdal viêm họng, phong thấp đau xương, sốt rét, viêm gan, đau dạ dày, cảm sốt trở lại; dùng ngoài trị ung sang thũng độc, gẫy xương, đòn ngã tổn thương.

Trên đây là một số thông tin về cây Mò răng cưa mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM