Đậu tương dại - Chữa cảm lạnh và cúm

Đậu tương dại là cây thảo leo hay trườn, lá có hình bầu dục hẹp, dày, gặp chủ yếu dọc đường đi, bờ các sông suối, trong các lùm bụi, rừng thưa trên đất sét vôi, tới độ cao 2000m, có tác dụng trừ sốt nóng, làm liền sẹo, được dùng chữa cảm lạnh và cúm, thấp khớp, phù nề, vết thương chảy máu,... Để biết được công dụng trong y học của cây Đậu tương dại mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Đậu tương dại - Chữa cảm lạnh và cúm

Đậu tương dại, Bình đậu - Atylosia scarabaeoides (L.) Benth, thuộc họ Đậu - Fabaceae.

1. Mô tả

Cây thảo leo hay trườn, nhánh dạng sợi, có lông như nhung màu vàng hoe. Lá có 3 lá chét hình bầu dục hẹp, dày, dài 2 - 3,5cm, rộng 1 - 1,5cm, tù ở đầu và ở gốc, có lông tuyến trên cả hai mặt; gân bên 3 đôi; cuống lá 2 - 4cm; lá kèm nhỏ. Cụm hoa chùm 1- 3 hoa, màu vàng hay xanh xanh. Đài dạng chuông, có 4 thuỳ. Cánh hoa có mép; cánh cờ xoan ngược có tai nhọn; cánh thìa tù. Bầu có nhiều tơ dài. Quả đậu thuôn, có ngấn giữa các hạt, có lông lởm chởm, có tuyến, dài 2cm, rộng 0,5cm, hạt 5 - 6, thuôn, màu đen hay vàng sậm.

Ra hoa tháng 6 - 12.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây - Herba Atylosiae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở châu Á, Tây Phi và tới tận Úc châu. Ở Á châu, người ta gặp loài này ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, các nước Đông Dương đến tận Philippin, Java và Niu Ghinê. Ở nước ta, thường gặp chủ yếu dọc đường đi, bờ các sông suối, trong các lùm bụi, rừng thưa trên đất sét vôi, tới độ cao 2000m, từ Quảng Ninh, Hoà Bình qua các tỉnh Tây Nguyên đến tận Minh Hải, Kiên Giang. Thu hái toàn cây vào mùa hè và mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

4. Tính vị, tác dụng

Vị ngọt, cay và nhạt, tính bình, có tác dụng trừ sốt nóng, làm liền sẹo, lợi tiểu, cầm máu.

5. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây chữa ỉa chảy của gia súc. Ở Trung Quốc dùng chữa 1. Cảm lạnh và cúm, nóng sốt đột quỵ; 2. Thấp khớp, phù nề, đau ngang thắt lưng. Liều dùng 10 - 15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị vết thương chảy máu. Giã lá tươi đắp, hoặc phơi khô và tán bột để dùng.

6. Đơn thuốc

Cảm lạnh và cúm: Cây Đậu tương dại tươi, rễ Ké đầu ngựa, mỗi vị 15g, gừng củ 3 g, sắc uống.

Sốt nóng đột quỵ: Cây tươi Đậu tương dại, Đam trúc điệp, Cỏ mần trầu, mỗi vị 15g, sắc uống.

Đau ngang thắt lưng: Đậu tương dại, Lấu bò, mỗi vị 30g, sắc uống với một phần tương đương rượu và nước.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây Đậu tương dại. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM