Cẩu tích - Chữa nhức mỏi chân tay

Cẩu tích là cây có thân thường yếu, phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi, có vị đắng ngọt, tính ấm, dùng chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, đau dây thần kinh toạ, vết thương chảy máu,...  Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.

Cẩu tích - Chữa nhức mỏi chân tay

Cẩu tích, Cây lông cu li - Cibotium barometz (L.) J. Sm., thuộc họ Cầu tích - Dicksoniaceae.

1. Mô tả

Cây có thân thường yếu, nhưng cũng có thể cao 2,5 - 3m. Lá lớn có cuống dài 1 - 2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60 - 80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan - ngọn giáo dài 30 - 60cm. Lá lông chim bậc hai hình dải - ngọn giáo, nhọn lại chia thành nhiều đoạn thuôn, hẹp; mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục lơ; trục lá không lông; các gân của các lá chét bậc hai có lông len. Ô túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hay 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3; các túi màu nâu nâu, có 2 môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn, thuôn.

2. Bộ phận dùng

Thân rễ - Rhizoma Cibotii, thường gọi là Cẩu tích, Lông phủ ngoài thân rễ cũng được dùng.

3. Nơi sống và thu hái

Cây phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai. Hà Giang, qua Quảng Nam-Đà Nằng đến Lâm Đồng. Thu hoạch thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa thu - đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4 - 10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.

4. Thành phần hóa học

Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố.

5. Tính vị, tác dụng

Cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Người ta đã nghiên cứu tác dụng chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính, cả tác dụng gây động dục kiểu oestrogen. Lông cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Cẩu tích dùng chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau dây thần kinh toạ, chứng đi tiểu són không cầm, di tinh, bạch đới. Ngày dùng 10 - 20g dạng thuốc sắc.

Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu.

Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.

7. Đơn thuốc

Chữa phong thấp, chân tay tê bại không muốn cử động Cẩu tích 20g, Ngưu tất 8g, Mộc qua 12g, Tang chi 8g, Tùng tiết 4g, Tục đoan 8g, Đỗ trọng 8g, Tần giao 12g, Quế chi 4g, nước 600ml, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa thận hư, sống lưng đau mỏi, đái luôn, vãi đái, bạch đới, di tinh: Dùng Cẩu tích 15g, Thục địa 12g, Đỗ Trọng dây 10g, Dây tơ hồng (sao) 8g, Kim anh 8g, sắc uống.

Chữa phong thấp đau nhức khớp xương, tay chân yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp: Dùng Cẩu tích 15g, Tục đoạn 12g, Cốt toái bổ 12g, Đương quy 10g, Xuyên khung 4g, Bạch chỉ 4g, sắc uống.

8. Ghi chú

Người thận hư mà có nhiệt, bí tiểu tiện hoặc nước tiểu vàng đỏ, không nên dùng.

Trên đây là một số thông tin về cây Cẩu tích mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM